Sáng 25/11 tại TP. Rạch Giá, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo “Liên kết thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả”. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia và các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương.
Thúc Đẩy Khởi Nghiệp và Đổi Mới Sáng Tạo tại Kiên Giang
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trung Hồ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nêu rõ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. Ông khẳng định Kiên Giang đã và đang thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, từ đào tạo nguồn nhân lực đến tổ chức các cuộc thi và diễn đàn khởi nghiệp.
Trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực khởi nghiệp. Tỉnh đã tổ chức 5 lớp đào tạo chuyên sâu dành cho giảng viên nguồn tại Trường Đại học Kiên Giang và các trường cao đẳng trong tỉnh; 52 lớp ngắn hạn về kiến thức khởi nghiệp và huấn luyện dự án; 20 hội thảo và tọa đàm nhằm tháo gỡ khó khăn trong hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Tỉnh Kiên Giang tổ chức 25 cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thu hút hơn 450 ý tưởng và dự án từ học sinh, sinh viên, doanh nghiệp và các cá nhân trong tỉnh. Các chương trình này không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn khuyến khích tinh thần sáng tạo, giúp các cá nhân và doanh nghiệp địa phương tự tin tham gia vào các dự án khởi nghiệp.
Ông Lê Trung Hồ, mong rằng, thông qua buổi hội thảo sẽ nâng cao nhận thức cho các cơ quan ban ngành, đơn vị hiểu rõ về bức tranh khởi nghiệp của tỉnh trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu để cùng nhau liên kết thúc đẩy Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả.
ThS. Lê Nhật Quang, Phó Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp KGC, Trường Cao đẳng Kiên Giang, cho rằng, hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các ý tưởng/dự án khởi nghiệp trong sinh viên thì cần có nhiều giải pháp để hỗ trợ sinh viên trong vấn đề khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, như: Tăng cường tập huấn cho sinh viên về kiến thức khởi nghiệp, xây dựng các ý tưởng khả thi; thường xuyên tổ chức các cuộc thi/hội thi tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp; tạo lập quỹ hỗ trợ cho các ý tưởng/dự án khởi nghiệp trong sinh viên; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, tài trợ, góp vốn xây dựng, phát triển, tạo nguồn thu cho các cơ sở ươm tạo là phương thức cần thiết để hoạt động lâu dài và bền vững.
ThS. Nguyễn Phước Quý Tường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Khởi nghiệp Trường Đại học Kiên Giang, nhận định, giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên đó là thường xuyên giao lưu, tạo gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm các dự án khởi nghiệp tại các sự kiện và ttạinhà trường. Cải tạo và tăng cường cơ sở vật chất cho Không gian Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo của Nhà trường để trở thành nơi làm việc chung, sinh hoạt, học tập, trao đổi hình thành ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Khởi nghiệp, Trường Đại học Kiên Giang, cũng lưu ý về vấn đề tiếp cận và kết nối các quỹ đầu tư, nhà đầu tư, doanh nghiệp hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án đạt thành tích cao là hết sức cần thiết, bởi sẽ khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên theo hướng ứng dụng, tạo ra sản phẩm, tài sản trí tuệ có thể thương mại làm nền tảng để khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, ĐMST, sản xuất xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, …
Theo bà Dương Tường Nhi, Giám đốc Innovation & Impact Center Trưởng Làng Design Thinking - Techfest Việt Nam, thì văn hoá Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo là nền tảng, là gốc rễ của một nền kinh tế sáng tạo bền vững; là văn hoá của sự thấu hiểu hành vi con người, đồng cảm, khoan dung, chấp nhận và giúp mọi người gia tăng lòng tin, phát triển những mối quan hệ tốt đẹp, hướng đến mục đích chung.
Do đó, bà Dương Tường Nhi, cho rằng, để kiến tạo nên hệ sinh thái - một môi trường bền vững thúc đẩy Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo thì các chủ thể khởi nghiệp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần kết nối và xây dựng một mạng lưới cộng đồng bao gồm những người Đổi mới, sáng tạo tiên phong, những nhà khoa học, kỹ sư, chủ doanh nghiệp, luật sư, nhà đầu tư, nhà huấn luyện, viện - trường, startup, chính phủ,… để gỡ bỏ những rào cản địa lý để thúc đẩy sự phát triển liên kết vùng.
Giám đốc Innovation & Impact Center Trưởng Làng Design Thinking - Techfest Việt Nam, cũng nhấn mạnh sứ mệnh, tầm nhìn của nhà lãnh đạo khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong việc giúp mọi người có quyết tâm và sáng tạo, thiết lập công việc dựa trên sự thấu hiểu về nhu cầu của xã hội, nhu cầu của các cộng đồng doanh nghiệp và trọng tâm các ngành kinh tế.
Người lãnh đạo cần có tầm nhìn cần toàn diện và có tầm xa. Tầm nhìn cần mang lại lợi ích đến tất cả mọi người, khơi dậy lòng tin và sự lãnh đạo, tương lai cũng như lòng tin lẫn nhau để dẫn dắt mọi người đi đến mục tiêu mà mình đã định.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, đánh giá, Hội thảo “Liên kết thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả” đề ra nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của tỉnh Kiên Giang ngày càng phát triển, từng bước nâng cao vị thế của tỉnh trên bản đồ phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển kinh tế xanh và bền vững cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ:
- Nguồn: Tạp Chí Điện Tử Văn Hóa Và Phát Triển
- Tin và ảnh: Trương Anh Sáng
Xem chi tiết bài viết gốc ở đường link bên dưới...